Nhà Phật giảng rằng, con người sống trong lục đạo luân hồi, không chỉ một đời mà là nhiều đời nhiều kiếp. Tuy nhiên, mỗi người sau khi được sinh ra, hầu như sẽ không nhớ được kiếp sống trước đây của mình.

Trong “Kinh tập Lục Độ” có ghi chép một câu chuyện rất thú vị, kể rằng:

Cách đây rất lâu về trước, có một quốc vương tên là Sái Vi vương. Ông là người phẩm hạnh đoan chính, chí hướng cao xa, tư chất hiếu học, và đặc biệt rất phụng hành Phật giáo.

Bởi ông đã sâu sắc lĩnh hội được đạo lý về lục đạo luân hồi và nhân sinh vô thường, vậy nên thường giảng nói cho chúng đại thần của mình nghe.

Nhưng những quan đại thần này lại có nghi hoặc rất lớn về kiếp sau. Rất nhiều người đều hỏi rằng, nếu như nhục thân này chết đi nhưng thần thức (chủ ý thức) vẫn sống, thế tại sao chúng ta lại không nhớ được đời trước của mình nhỉ?

Sái Vi vương nói: “Ý nghĩ và chí nguyện nhỏ hẹp của chúng ta làm sao có thể biết được sự tình của những đời trước đây? Con mắt này ngay đến cả sợi tơ cũng khó mà nhìn được rõ, làm sao tự thấy được thần thức dời đổi đây?”.

Một ngày nọ, Sái Vi vương khá là nhàn rỗi, bèn cải trang thành dân thường, một mình đi ra ngoài cung tản bộ. Khi đi đến gần một ông lão đóng giày bên đường, Vi vương cười hỏi đùa rằng: “Theo ông, người trong cả nước, ai là người vui vẻ nhất đây?”.

Ông lão trả lời: “Duy chỉ có quốc vương là vui vẻ nhất thôi!”

Sái Vi vương lại hỏi: “Ông ấy vui vẻ thế nào?”.

Ông lão nói: “Ông ấy có bá quan theo hầu, trăm họ tiến cống, có thể nói là muốn gì được nấy, đây không phải rất là vui vẻ hay sao?”.

Sái Vi vương nói: “Ừm, tôi cũng nghĩ giống như ông vậy”.

Xem Thêm:   [SHARE] Kinh nghiệm tổ chức đám cưới tiết kiệm 2022

Sau đó Sái Vi vương liền mời ông lão uống rượu nho, ông lão uống đến say mèm, không còn biết gì nữa. Sau đó, Vi vương sai người khiêng ông lão vào trong hoàng cung.

Sái Vi vương nói với hoàng hậu: “Ông lão này nói quốc vương là người vui vẻ nhất. Hôm nay trẫm muốn đùa thử một chút, nàng cho ông ấy mặc trang phục của ta, để ông ấy lên điện xử lý mọi việc triều chính. Nhưng mà các nàng không được đùa quá trớn mà dọa sợ ông ta đấy nhé!”. Hoàng hậu tuân lệnh.

Ngày hôm sau, ông lão tỉnh rượu, các cung nữ, thị vệ trong cung cố ý nói: “Đại vương sau khi say rượu, rất nhiều việc triều chính đều đã chất đống lên, giờ đã đến lúc phải đi xử lý rồi” .

Nói xong, liền đưa ông lão lên điện, văn võ bá quan không ngừng thúc giục ông thẩm nghị các việc chính sự. Ông lão lúc này đầu óc quay vòng, ngay đến cả đông tây nam bắc cũng đều phân không rõ nữa.

Sử quan giúp ông lão ghi chép lại mọi việc, quan đại thần đưa ra kế sách cho ông… Ông lão cả ngày ngồi ở trong điện, xương cốt toàn thân đều đau nhức hết cả, ăn uống cũng không còn biết mùi vị gì nữa, chỉ mới một ngày mà đã thấy yếu đi rất nhiều.

Các cung nữ đùa với ông lão rằng: “Khí sắc của đại vương dường như không được tốt lắm, không biết vì sao vậy?”.

Ông lão trả lời rằng: “Trẫm mơ thấy mình là một thợ đóng giày, hàng ngày tự lao động để đối lấy cái ăn cái mặc, khổ sở đó thật khó mà diễn tả thành lời, vậy nên cảm thấy nhức đầu”.

Các cung nữ nghe xong bụm miệng cười trộm.

Ông lão đêm đến thì không sao ngủ được, trằn trọc trở mình nghĩ rằng: “Bản thân ta rốt cuộc là ông lão đóng giày, hay là thiên tử nhỉ? Nếu là thiên tử, thì sao da thịt mình lại thô ráp thế kia chứ? Nếu như là thợ đóng giày, thì nguyên do gì lại được ở trong hoàng cung đây? Hẳn là ta tâm thần hỗn loạn, đầu óc mơ mơ màng màng, có phân thân ở hai nơi, không biết bên nào mới là thật nữa”.

Xem Thêm:   #1 Các biện pháp tránh thai khi đang cho con bú

Hoàng hậu lại nói: “Đại vương không được khỏe, chi bằng hãy gọi đám vũ công đến ca múa cho khuây khỏa một phen vậy”.

Thế là, ông lão một bên thưởng thức ca múa, còn các cung nữ bên cạnh không ngừng chuốc rượu. Ông lão uống đến say mèm không còn biết trời đất gì nữa, mọi người mặc lại bộ quần áo ban đầu cho ông, đưa ông về nhà, đặt lên trên tấm ván nằm xù xì trong nhà.

Ông lão sau khi tỉnh rượu, nhìn nhìn ngôi nhà thô sơ, rồi nhìn bộ quần áo cũ kỹ đang mặc trên người, mọi thứ đều y như cũ. Nhưng mà, xương khớp trên dưới đều đau nhức cả, giống như từng bị gậy gộc đánh vào người vậy.

Mấy ngày sau, Sái Vi vương đến tìm ông. Ông lão đóng giày nói:

“Mấy ngày trước uống rượu của ông, tôi say đến mắt hoa đầu váng, không còn nhớ được gì nữa cả, bây giờ mới tỉnh lại. Tôi đã mơ thấy mình làm quốc vương, ở trên đại điện phê duyệt tấu sớ của văn võ bá quan, quan sử ở bên ghi chép lại, chúng đại thần thì không ngừng đưa ra kế sách. Nhưng trong tâm tôi lại hoảng hốt lo sợ, giống như thuốc nổ vậy, xương cốt khắp người đau nhức, tôi nghĩ dù có bị đòn roi cũng không đến mức như vậy.

Nằm mơ mà còn như vậy, huống chi là thật sự trở thành quốc vương đây? Lời mà tôi nói với ông mấy hôm trước, nhất định là sai rồi!”.

Xem Thêm:   Giải mã hiện tượng: bát hương bốc cháy điềm báo gì? lành hay dữ?

Sái Vi vương sau khi về đến hoàng cung liền đem chuyện này thuật lại với chúng đại thần, mọi người đều ôm bụng cười ầm lên.

Sái Vi vương nói với quần thần rằng:

“Cùng một thân xác như vậy, chỉ mới thay đổi con người và hoàn cảnh xung quanh mà vẫn còn không tự biết được, huống hồ là cách nhau một kiếp sống, thân xác thịt đã tử vong vứt bỏ đi, lại khoác lên một nhục thân mới. Càng huống hồ trải qua các loại gian nan thống khổ, phiền não ưu sầu của sinh tử, muốn nhớ được những gì mà thần thức của mình đã trải qua trong đời trước, gần như là điều không thể!

Trong kinh Phật có giảng: Một người ngu si, trong lòng ôm giữ các loại tà niệm, nếu muốn thấy được thần thức, chính là giống như một người bịt hai con mắt lại đi trong đêm tối, lại muốn ngẩng đầu lên nhìn ngắm các vì sao trên bầu trời, dù có cố gắng thế nào thì cũng phí công mà thôi”.

***

Câu chuyện thú vị trên có lẽ đã phần nào giúp chúng ta lý giải được những thắc mắc trong lòng mình. Lại có câu chuyện trong dân gian lưu truyền rằng, trước khi linh hồn được đầu thai làm người đều phải uống bát canh Mạnh Bà. Bất cứ ai uống bát canh ấy thì mọi chuyện trong quá khứ đều chìm vào quên lãng. Những hỷ nộ ai lạc, những ân oán tình thù, hết thảy đều tan đi như làn khói, chỉ còn lại ký ức trống rỗng cùng một gương mặt yên bình.

Phải chăng, cũng bởi vì đã quên hết ký ức tiền kiếp mà nhiều người ngày nay không còn tin vào nhân quả báo ứng và luân hồi.

Tuy nhiên, những câu chuyện xưa vẫn còn được kể lại trong dân gian, như một lời nhắc nhở chúng ta về kiếp sống nhân sinh này.

About The Author

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *